Chào Cecil,
Tại văn phòng của mình, hàng ngày tôi đều phải nghe bài diễn thuyết của một cá nhân về những lý do mà năng lượng hạt nhân được coi là an toàn hơn nhiên liệu hoá thạch, điện gió, và hầu như tất cả các loại năng lượng khác mà anh có thể kể tên. Trong số các khẳng định của anh ta: Tỷ lệ ung thư theo độ tuổi ở các quốc gia có cơ sở điện hạt nhân không cao hơn các quốc gia khác, mà thậm chí còn ít hơn, theo số liệu thực tế. Ukraina và Belarus, hai quốc gia chịu hậu quả lớn nhất của thảm hoạ Chernobyl, có tuổi thọ trung bình cao hơn các nước cộng hoà Xô viết cũ khác. Điện gió thải ra lượng khí nhà kính gấp 3 lần lượng khí của điện hạt nhân. Chi phí tháo rỡ một bãi tuốc bin gió đắt ngang việc tháo rỡ một nhà máy điện hạt nhân và xử lý chất thải. Tôi biết đây là một yêu cầu tầm cỡ nguyên tử, nhưng tôi muốn có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
— Jason Constantine
Cecil trả lời:
Một ngày nào đó ngành năng lượng hạt nhân sẽ hiểu ra vấn đề và thuê tôi làm phát ngôn viên của họ, bởi vì tôi có độ lạc quan thực tiễn mà công việc đó đòi hỏi. Những lời trấn an mơ hồ, những lời kêu gọi bình tĩnh — việc đó là không đủ sau những gì Nhật Bản đã phải trải qua. Nếu lần sau còn xảy ra vụ tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân, tôi sẽ tự tin bước lên bục diễn giả và phát biểu như sau: “Xin quý vị đừng lo lắng làm gì. Nếu lịch sử là mốc đối chiếu, sẽ không có nhiều người bị chết đâu.”
Sự thật đúng như vậy. Tiếng xấu của năng lượng hạt nhân có bản chất bắt nguồn từ những trường hợp sử dụng công nghệ phân hạch vào mục đích xấu. Không có quốc gia nào phải chịu ký ức đau đớn về thảm hoạ bom than cả. Bom nguyên tử, mặt khác... lại quá nhiều. Nhưng cả trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ không bao giờ lãnh hậu quả tương đương với một cuộc chiến từ một tai nạn lò phản ứng.
Hãy nói về trường hợp xấu nhất – Chernobyl. Ngày nay mọi người nhớ về vụ tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân năm 1986 của Lò phản ứng số 4 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraina như một đại thảm hoạ. Hừ. Nếu được xoay đúng hướng, nền công nghiệp năng lượng hạt nhân đã có thể kết chuyện với một viễn cảnh màu hồng rồi.
Các nhà hoạch định và điều hành của Chernobyl đã làm sai gần như tất cả mọi quy tắc, kết hợp giữa thiết kế sai lầm và lỗi con người. Nhà máy không có lớp vỏ bọc để ngăn phóng xạ giải phóng trong trường hợp xảy ra tai nạn. Thiết kế lò phản ứng có lỗi bất ổn trong bản chất – trong hầu hết các lò phản ứng, khi nước làm lạnh quá nhiệt và bốc hơi, công suất đầu ra giảm; còn ở Chernobyl, nước bốc hơi đồng nghĩa với công suất đầu ra tăng. Không tốt, nhưng chưa phải là thảm hoạ. Rồi, một ngày tháng 4 định mệnh, các kỹ sư làm việc ở đó đã cố ý tắt hệ thống làm lạnh dự trữ, tháo ra gần hết các thanh điều khiển, và tắt nguồn của bơm tải nhiệt chính để xem chuyện gì sẽ xảy ra...
Chuyện xảy ra là lò phản ứng bị quá nhiệt, công suất đầu ra vọt lên gấp 100 lần bình thường, và nắp lò phản ứng bật ra khỏi lõi, khiến lõi phát nổ một lần nữa và bốc cháy. Phần lõi này cháy trong 10 ngày, phun ra hàng đống bụi và khói phóng xạ. Lượng phóng xạ tương đương với 200 lần vụ thả bom Hiroshima và Nagasaki đã được giải phóng. Mưa phóng xạ rơi khắp vùng bắc bán cầu, tập trung nhiều nhất tại vài khu vực ở Ukraina, Belarus và Nga là nơi sinh sống của 5 triệu người.
Và kết quả của màn diễu hề này là gì? 31 người chết ngay sau sự cố, hầu hết vì nhiễm phóng xạ cấp tính, với một vài người trong những năm sau đó. Hơn 100 người khác bị thương tật do phóng xạ. Khoảng 6.000 trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện trong cộng đồng người dân Ukraina, Belarus và Nga có độ tuổi dưới 18 tại thời điểm xảy ra tai nạn, nhiều trường hợp có khả năng bị mắc do sử dụng sữa có chứa i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, chỉ có 15 trường hợp tử vong được báo cáo đến năm 2005 – ung thư tuyến giáp có thể điều trị được.
Có bằng chứng cho thấy nguy cơ nhiễm bệnh bạch cầu và đục thuỷ tinh thể tăng trong những nhân viên cứu hộ bị phơi nhiễm phóng xạ nhiều hơn, nhưng không có ảnh hưởng nào khác về sức khoẻ. (Các chuyên gia dự đoán sẽ có thêm khoảng 4.000 người chết trong số 600.000 người phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao nhất – tương đương với việc thêm vài phần trăm vào số 100.000 người chết vì ung thư được dự đoán trong nhóm này.) Một “vùng cấm” có diện tích khoảng 1.700 dặm vuông (4.400 km vuông) quanh nhà máy vẫn cấm người đến cư trú, 220.000 người bị di dời vĩnh viễn, canh tác nông nghiệp bị hạn chế, nhưng cuộc sống của thực và động vật hầu hết vẫn phát triển bình thường.
Chỉ vậy thôi. Thật là một cơ hội bỏ lỡ đáng tiếc. Một phát ngôn viên khôn ngoan đã có thể nói: “Các vị xem, một vụ tai nạn nghiêm trọng bậc nhất và số người chết chỉ tương đương với số vụ tử vong giao thông trong 12 giờ tại Mỹ. Nếu đây không phải là bằng chứng an toàn thì cái gì mới phải?”
Ờ, có thể tôi đùa giỡn hơi quá trớn. Nhưng, tuy tôi không có đủ diện tích chuyên mục để thực hiện cuộc so sánh hoàn tất giữa năng lượng hạt nhân và tất cả mọi thứ còn lại như anh đang mong, hãy suy nghĩ về các con số sau. Mỗi năm, trung bình có 35 thợ khai thác than bị chết và 4.000 người bị thương tại Mỹ. Ở Trung Quốc, có 2.600 thợ khai thác than bị chết năm 2009 và 3.200 người chết năm 2008. (Số người chết vì khai thác uranium tại Mỹ: 0.) Các lò đốt than thải ra lượng phóng xạ gần bằng 3 lần các nhà máy năng lượng hạt nhân. Tôi tập trung đến than vì nó là nguồn năng lượng duy nhất khác chúng ta có thể trông cậy vào việc cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng trong tương lai của ta; nhưng ngay cả việc sản xuất pin mặt trời cũng có gây ra chất thải độc hại.
Mấu chốt là, không có phương pháp ít rủi ro nào để làm việc này cả. Có ai muốn chết vì bị phơi nhiễm phóng xạ hay bị ung thư không? Không. Tương tự cho bệnh phổi đen.
— Cecil Adams, đăng ngày 01-4-2011
-----------------------------
Tham khảo
1. Doug Brugge và cộng sự. “Lộ trình phơi nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ liên quan đến độc tính phóng xạ và hoá học của Uranium tự nhiên: một phân tích.” Đăng trên Environmental Health 20.3 (2005): tr. 177-193.
2. Grigoriy Medvedev. “Sổ ghi chép Chernobyl,” đăng trên Novy Mir tiếng Nga, tháng 6 1989, JPRS-UEA-034-89, 23-10-1989.
3. Jamie L. DeLemos và cộng sự. “Xây dựng bản đồ rủi ro để giảm thiểu phơi nhiễm uranium tại vùng khai thác mỏ Navajo Churchrock.” Environmental Health 8 (2009): tr. 29-44.
4. Steve Fetter. “Nguồn cung uranium của thế giới sẽ được duy trì trong bao lâu?” Scientific American, 26-1-2009.
5. Vasilis M. Fthenakis và cộng sự. “Bức xạ từ vòng đời quang điện.” Environ. Sci. Technology 42 (2008): tr. 2168–2174.
6. Erica Gies. “Tấm năng lượng mặt trời liệu có phải là loại phế liệu tiếp theo không?” The Guardian: Earth Journal Thứ 6, 03-8-2010.
7. Michaela Kreuzer và cộng sự. “Hồ sơ doanh nghiệp: nghiên cứu doanh nghiệp khai thác uranium ở Đức (Công ty WISMUT), 1946–2003” International Journal of Epidemiology (2009): tr 1–8.
8. Cathy Vakil và Linda Harvey. “Ảnh hưởng của khai thác uranium và sản xuất điện hạt nhân đến sức khoẻ con người.” Tháng 5, 2009.
9. W. Vrijheid và cộng sự. "Tử vong từ các bệnh ngoài ung thư hậu phơi nhiễm ion phóng xạ mức thấp: kết quả thu được từ nghiên cứu công nhân ngành năng lượng hạt nhân tại 15 nước.” International Journal of Epidemiology (2007): tr 1-10.
Nguồn:
Straightdope.com