Miếng bánh ADSL hết ngọt
Sau gần mười năm phát triển, dịch vụ ADSL tại Việt Nam đạt 3,7 triệu thuê bao, theo số liệu tính đến hết tháng 2.2011 của trung tâm internet Việt Nam. Mức tăng trưởng thuê bao đang chậm lại dưới sức ép từ các công nghệ thay thế.
Khó tăng thuê bao
Dưới sức ép của các dịch vụ viễn thông khác như FTTH (cáp quang tới nhà), 3G..., các nhà khai thác dịch vụ ADSL vốn đã gặp khó, giờ đây càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, từ khách hàng cá nhân đến khách hàng công ty.
Ông Vũ Hoàng Liên, nguyên giám đốc công ty điện toàn truyền số liệu Việt Nam (viết tắt là VDC, thành viên của VNPT) nhận xét: "Dịch vụ ADSL giờ đây đang đứng trước khó khăn".
Xét về thị phần, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm 71,32% tổng thuê bao. Trong năm 2010, đơn vị này phát triển được 25% lượng thuê bao mới. Chủ yếu lượng khách hàng mới của VNPT là ở các tỉnh. Tính chung cả Hà Nội và TP.HCM, chỉ có thêm 120.000 thuê bao mới, trong đó khách hàng mới ở Hà Nội chưa tới 30.000.
Con số 1,1 triệu thuê bao ADSL còn lại phân bổ cho các doanh nghiệp FPT, Viettel, Saigon Postel (SPT), Netnam. Trong đó, Viettel và FPT có xấp xỉ 500.000 thuê bao. SPT, vì khó khăn về tài chính mà địa bàn hoạt động của doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn tại TP HCM, còn Netnam (có vốn liên doanh của tập đoàn công nghệ CMC của Việt Nam) nay đã không còn khai thác khách hàng cá nhân mà chuyển sang phục vụ doanh nghiệp.
Khó chồng khó
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, vì sự cạnh tranh của chính các nhà khai thác doanh nghiệp khi tung ra những gói cước giá rẻ, tặng modem, v.v. và từ tác động các dịch vụ viễn thông khác mà các nhà khai thác dịch vụ ADSL đang chịu lỗ.
"Không thể báo con số lỗ mà chỉ nói rằng, hiện nay chúng tôi đang gồng mình chịu đựng", đại diện một nhà khai thấc ADSL nói.
Theo tìm hiểu, trong các nhà khai thác dịch vụ ADSL tại thị trường Việt Nam, FPT đã tăng cước dịch vụ ADSL kể từ ngày 16-3. Tuỳ theo gói cước đăng ký mà khách hàng phải trả thêm từ 20.000 - 30.000 đồng mỗi tháng. Theo giải thích của FPT Telecom, việc tăng giá cước là do chi phí đầu vào, tác động của tỉ giá, điện.
Trong khi FPT Telecom tăng cước, các nhà khai thác khác như VNPT, SPT, Viettel vẫn giữ mức giá cũ. Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc phát triển thị trường của VDC miền Nam, cho biết: "Chính sách cước là chính sách chung của tập đoàn VNPT. Đến giờ này vẫn chưa nghe quyết định gì về tăng cước. Khó thì khó thật nhưng tăng vào lúc này sẽ làm nhà khai thác khó hơn".
Ông Nguyễn Trí Năng (SPT) giải thích: "SPT là doanh nghiệp có số lượng thuê bao thấp. Vì vậy, phải nương theo các doanh nghiệp lớn mà đi. Khó có chuyện tăng cước vào lúc này".
So với mười năm trước, người dùng hiện có nhiều lựa chọn hơn khi muốn kết nối internet. Khi con đường vào xa lộ thông tin được khai thông, điều mà người dùng mong chờ là một con đường rộng hơn và những dịch vụ đáp ứng cho những chiếc xe chạy trên con đường đó.
Theo Vef.vn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét