Đại chiến Z
Đại chiến Z
Lịch sử truyền miệng về cuộc chiến chống Thây ma
Tác giả: Max Brooks
Dịch giả: Vũ Minh Dũng
Đăng trên: http://vneditor.blogspot.com
Lịch sử truyền miệng về cuộc chiến chống Thây ma
Tác giả: Max Brooks
Dịch giả: Vũ Minh Dũng
Đăng trên: http://vneditor.blogspot.com
Lời giới thiệu
Nó được gọi bằng nhiều cái tên: “Đại khủng hoảng,” “Thời kỳ đen tối,” “Dịch biết đi,” cũng như những danh từ mỹ miều và “xì-tin” khác như “Đại chiến thế giới Z” hoặc “Chiến tranh Z đệ nhất.” Bản thân tôi không thích cái tên gọi sau này bởi nó có ngụ ý về một cuộc “Chiến tranh Z đệ nhị” trong tương lai. Đối với tôi, nó sẽ mãi được gọi là “Cuộc chiến Thây ma,” và tuy có nhiều người sẽ phản đối tính chính xác của từ thây ma này, họ sẽ khó có thể tìm được một từ nào được chấp nhận nhiều hơn để đặt cho những con quái vật đã suýt chút nữa tiêu diệt được toàn bộ giống loài chúng ta. Thây ma vẫn là một từ đáng sợ, có thể gợi lên rất nhiều ký ức và cảm xúc mà không một từ nào khác có thể làm được, và chính những ký ức và cảm xúc đó là chủ đề của quyển sách này.
Bản báo cáo về cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử loài người này lại có căn nguyên từ một cuộc chiến rất nhỏ hơn, rất riêng tư hơn giữa tôi và bà chủ tịch Hội đồng Báo Cáo Hậu chiến của Liên Hợp Quốc. Công việc ban đầu của tôi ở Hội đồng có thể được diễn tả một cách đơn giản là thành quả của đam mê. Ngân sách đi lại, giấy thông hành, bộ phiên dịch, cả người lẫn máy, cũng như chiếc máy đánh chữ qua giọng nói, người bạn nhỏ nhắn và gần như vô giá của tôi (nó là món quá quý giá nhất mà một người đánh máy tồi nhất thế giới có thể có được), tất cả đều nói lên sự đề cao và trân trọng những cống hiến của tôi dành cho dự án này. Vì vậy nên không phải nói lại là tôi kinh ngạc đến mức nào khi gần một nửa của công trình đó bị loại ra khỏi bản thảo báo cáo chính thức.
“Nó quá thiên về tình cảm,” bà ấy nói vậy ở một trong nhiều cuộc thảo luận “sôi nổi” giữa chúng tôi. “Quá nhiều ý kiến, quá nhiều cảm xúc. Đây không thể là nội dung của một bài báo cáo. Chúng ta cần các số liệu và dữ kiện cụ thể, không dính dáng gì đến yếu tố con người.” Tất nhiên, bà ấy nói đúng. Bản báo cáo chính thức là một tập hợp những dữ liệu cứng, vô tri giác, một bản báo cáo hậu sự, khách quan, cho phép các thế hệ tương lai có thể nghiên cứu về các sự kiện của thập kỷ khốc liệt này mà không bị chi phối bởi “yếu tố người”. Nhưng chẳng phải chính cái yếu tố người này là cầu nối chắc chắn nhất của chúng ta tới quá khứ sao? Liệu hậu thế có quan tâm đúng mức đến lịch trình sự kiện và số liệu thống kê không, hay họ lại muốn nghe những câu chuyện kể về những cá nhân tương đồng với họ hơn? Với việc bỏ qua yếu tố con người, có phải chúng ta đã tự tách cái tôi của mình ra khỏi lịch sử, để rồi, cầu trời là không, một ngày mai lặp lại nó chăng? Và cuối cùng, chẳng phải yếu tố con người là điểm khác biệt chính duy nhất giữa chúng ta và những kẻ thù được ta gọi là “xác sống” hay sao? Tôi trình bày quan điểm này, có lẽ với một phong cách hơi thiếu chuyên nghiệp hơn thường lệ, tới “sếp”, và lời cảm thán của tôi, “chúng ta không thể để những câu chuyện này chết đi được” được trả lời một cách đơn giản và ngay lập tức rằng, “Vậy thì đừng để nó chết. Viết sách đi. Anh vẫn còn nguyên bộ ghi chép của mình, và quyền sử dụng chúng. Có ai cấm anh giữ những câu chuyện này sống mãi trong một quyển sách chết tiệt nào đó (tự kiểm duyệt) đâu?”
Một số nhà phân tích chắc chắn sẽ phản đối ý tưởng một quyển sách lịch sử cá nhân quá sớm sau cuộc chiến thế giới. Vì dù sao đi nữa, bây giờ mới là mười hai năm kể từ Ngày Chiến thắng được công bố ở đại lục Hoa Kỳ, và gần một thập kỷ kể từ ngày siêu cường cuối cùng trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày Trung Quốc Chiến thắng.” Và bởi vì hầu hết mọi người đều coi Ngày Trung Quốc Chiến thắng là thời điểm kết thúc chính thức, làm sao chúng ta có thể có được tầm nhìn bao quát, khi mà theo lời của một phát ngôn viên LHQ, “Chúng ta đã có thời gian sống trong thời bình gần bằng trong thời chiến.” Đây là một luận điểm xác đáng, và cần một câu trả lời. Và trong trường hợp của thế hệ chúng ta, những người đã chiến đấu và hi sinh để giành lấy cho chúng ta thập kỷ hoà bình này, thời gian vừa là kẻ thù, mà cũng vừa là một người đồng minh. Đồng ý là những năm tháng sắp tới sẽ cho chúng ta một tầm nhìn sau, cộng thêm kiến thức vào với ký ức nhìn qua lăng kính của một thế giới trưởng thành, hậu chiến. Tuy nhiên, rất nhiều những ký ức đó có thể sẽ không còn tồn tại nữa, bị nhốt trong những cơ thể và tâm hồn đã quá hư hại và yếu ớt để có thể nhìn thấy thành quả của họ được gặt hái. Không phải bí mật lớn rằng tuổi thọ người trên toàn thế giới chỉ còn là một chiếc bóng khi so với số liệu thời tiền chiến. Nạn suy dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, sự xuất hiện của những dịch bệnh đã bị dập tắt, ngay cả Hoa Kỳ, với nền kinh tế đang dần khôi phục và chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, cũng không thoát khỏi thực trạng này; chúng ta hoàn toàn không có đủ tài lực để chăm sóc cho toàn bộ các thiệt hại về thể chất và tinh thần. Thời gian, chính vì kẻ thù này mà tôi đã quyết định bỏ qua sự xa hoa của tầm nhìn sau, và xuất bản những câu chuyện kể này. Có thể là nhiều thập kỷ sau, sẽ lại có người nào đó đảm nhiệm việc ghi lại kinh nghiệm của những người sống sót già hơn rất nhiều, và thông thái hơn cũng rất nhiều. Có thể tôi sẽ là một người trong bọn họ.
Mặc dù đây chủ yếu là một quyển sách của những ký ức, nó cũng chứa đựng nhiều chi tiết báo cáo, kỹ thuật, xã hội, kinh tế, v.v., có thể tìm thấy trong bản Báo cáo Hội đồng, có liên quan tới câu chuyện của những người được nói đến. Đây là quyển sách của họ, chứ không phải là của tôi, và tôi đã cố gắng duy trì sự vô hình của mình đến mức có thể. Những câu hỏi được bao gồm trong bài viết có thể coi là được đặt ra bởi chính độc giả. Tôi đã cố giữ lại mọi ý kiến, hoặc nhận xét thuộc bất kỳ thể loại nào, và nếu có một yếu tố người nào đó cần bị loại bỏ, hãy để nó là của tôi.
Cuối cùng cũng xong được một phần, vừa là phần khó nhất (không đơn thuần chỉ là phần đầu tiên), và cũng vừa là phần tẻ nhạt nhất. Hi vọng các bạn sẽ không bỏ ngang tác phẩm chỉ vì một phần giới thiệu này. Các phần sau sẽ lôi cuốn hơn rất nhiều, đáng kinh ngạc hơn rất nhiều và cũng nhân đạo hơn rất nhiều (truyện tuy có chủ đề thây ma, nhưng nội dung chính lại luôn xoay quanh con người). Kể cả trình độ dịch thuật loại mèng của tôi cũng không thể làm lu mờ tài năng của tác giả được. :)
Trả lờiXóa