Chủ Nhật, tháng 4 22, 2007

Ubuntu 7.04, hướng dẫn cài đặt

Để cài đặt Ubuntu bản mới nhất này, bạn có rất nhiều lựa chọn, đó là:

1. Sử dụng đĩa Desktop (đĩa dùng thử) để cài đặt, bạn sẽ thực hiện việc cài đặt trong môi trường làm việc của máy tính, nhận được sự trợ giúp tối đa từ màn hình làm việc, và có thể vừa cài đặt vừa lướt net, chơi game, đọc hướng dẫn, v.v.



2. Sử dụng đĩa Alternate (đĩa cài đặt chuyên nghiệp): không có chức năng dùng thử, nhưng bạn có thể cài đặt các cấu hình phức tạp mà đĩa Desktop không có, như phân vùng RAID, hệ điều hành không giao diện, tự động điều chỉnh cấu hình cài đặt, v.v. Nếu bạn là một người dùng bình thường thì nhiều khả năng bạn sẽ không cần đến mấy tính năng này, và có thể dùng chiếc đĩa này để cài đặt, hay nâng cấp như bình thường.

3. Sử dụng đĩa Server (cài đặt cho máy chủ): chỉ cài bộ khung cho hệ điều hành (đủ để làm một máy chủ), chúng ta không cần phải quan tâm lắm đến cách này.

Theo tôi thì cách tốt nhất để cài đặt Ubuntu là sử dụng đĩa Desktop, vì làm cách này bạn có thể sử dụng máy tính trong khi cài đặt, chứ không phải chờ nó cài đặt xong xuôi mới táy máy vào. Bạn có thể download chương trình cài đặt tại Trang chủ của Canonical, nếu bạn dùng PC (Windows) thì bản bạn cần dùng là Ubuntu 7.04 Desktop i386, bạn có thể download bằng http hoặc torrent đều được. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt nhận đĩa tặng của nhà sản xuất, nhưng vấn đề này tôi xin nói ở bài sau.

Sau khi đã download được file ISO rồi, việc tiếp theo bạn cần làm là tìm cách để ghi nó ra đĩa, nếu bạn có ổ ghi thì tuyệt, nhưng nếu không có thì cũng không sao, vì bạn có thể lấy nó trực tiếp từ phía nhà sản xuất (xin đón xem ở bài sau).

Khi mọi công cuộc chuẩn bị đã hoàn tất, bạn chỉ cần nhét chiếc đĩa cài đặt vào ổ CD, rồi khởi động lại máy, nhấn Enter khi có dấu nhắc và máy sẽ tự khởi động vào hệ điều hành dùng thử cho bạn.



Chạy chương trình "Install", bạn sẽ phải thiết lập một số cấu hình cơ bản sau:

1. Chọn ngôn ngữ, nếu bạn chọn tiếng Việt thì giao diện cài đặt sẽ được chuyển sang tiếng Việt, rất hữu ích nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm sử dụng máy tính (và tiếng Anh).



2. Chọn khu vực sinh sống: một lựa chọn đơn giản, giờ máy tính của bạn sẽ được điều chỉnh tương ứng.



3. Chọn bàn phím: loại bàn phím thông thường mà ta sử dụng là U.S. English.



4. Cài đặt phân vùng: đây là công đoạn rất quan trọng !! Tất cả dữ liệu trên phân vùng bạn thay đổi sẽ bị xoá sạch, nếu bạn có dữ liệu quan trọng thì nên sao lưu nó ra chỗ khác trước! Theo ý tôi một hệ điều hành Linux sẽ làm việc tốt nhất nếu chia thành các phân vùng sau:

    Phân vùng - Chức năng - Vị trí (Mount Point) - Dung lượng - Chú thích (nếu có)

    PV 1 - Windows XP/NTFS - /media/Windows - 10 GB - hệ điều hành Windows
    PV 2 - Swap - (không có) - 1 GB : đóng vai trò làm bộ nhớ ảo cho Linux
    PV 3 - Ubuntu/ReiserFS - / - 10 GB - hệ điều hành Ubuntu
    PV 4 - Extended Partition - (không có) - (còn lại) - phân vùng mở rộng, chứa các phân vùng sau nó
    PV 5 - FAT32 - /media/Dulieu - (càng nhiều càng tốt) - dùng để lưu trữ và trao đổi dữ liệu giữa Windows và Ubuntu
    PV - ReiserFS - /home - 10~20 GB - lưu trữ dữ liệu của người dùng trong Ubuntu


Chú ý:

Thứ tự các phân vùng có thể thay đổi được, nhưng nếu bạn cài Windows trước thì phân vùng 1 luôn là của Windows.

Phân vùng Ubuntu là quan trọng nhất và bắt buộc phải cài ở vị trí / (thư mục gốc).

Phân vùng 6 không cần thiết lắm, nhưng rất hữu ích khi cập nhật hệ thống hay có lỗi gì đó, vì khi đó bạn chỉ cần format lại phân vùng của hệ điều hành ( / ) là giải quyết được vấn đề, mà không bị mất dữ liệu gì quan trọng cả.

5. Nhập dữ liệu từ phân vùng Windows hoặc từ dữ liệu người dùng từ các lần cài đặt trước: đây chức năng tự động cài đặt phân vùng cho bước 4.



6. Lập tài khoản & mật khẩu người dùng & tên máy: cái này chắc ai cũng biết.



7. Tổng kết: tóm tắt lại những lựa chọn của bạn, nếu bạn muốn thay đổi gì thì có thể quay lại để sửa, còn không thì nhấn nút cài đặt để tiếp tục.



Sau khi cài đặt xong, khởi động lại máy là bạn đã hoàn tất quá trình cài đặt Ubuntu 7.04 "hươu hiếu động" rồi đấy.



Cách sử dụng một số chức năng cơ bản của Ubuntu tôi sẽ đề cập đến ở các kỳ tiếp theo, xin mọi người chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét