Thứ Sáu, tháng 8 17, 2007

Google Adsense: cơ hội làm giàu cho người giỏi tiếng Anh.

Như tôi đã nói ở bài trước (hướng dẫn quảng cáo bằng AdBrite), dịch vụ Google Adsense (tắt là GA) không dành cho người Việt, vì một số lý do sau đây:

1. Google chưa hỗ trợ tiếng Việt. Nếu bạn dùng mánh (như đăng ký bằng một trang tiếng Anh, rồi lắp bảng quảng cáo đó vào trang tiếng Việt) thì vẫn có thể qua trót lọt, nhưng hãy cẩn thận, nếu để họ phát hiện ra thì bạn sẽ bị đuổi cổ ngay lập tức.

2. Lỗi của nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt là VNN và các quán Internet Cafe. Hai loại dịch vụ này cho phép nhiều người dùng sử dụng cùng 1 IP, và nếu có quá nhiều kết nối cùng một IP nhấn vào trang quảng cáo thì họ sẽ nghi là chủ trang web "chơi bẩn", và ban luôn. Và cũng đừng nghĩ đến chuyện sử dụng proxy, kết quả cũng tương tự đấy.

3. Người Việt Nam không có khả năng mua hàng qua mạng --> Google đặt bao nhiêu quảng cáo mất bấy nhiêu, ít (và thỉnh thoảng bán được sản phẩm) thì không nói làm gì, nhưng nếu nhiều quá thì họ cũng sẽ cắt hợp đồng luôn.

Nếu bạn không có cách giải quyết ba vấn đề ở trên thì nên quay lại với AdBrite, dịch vụ này tuy trả ít tiền, nhưng khá hiền lành, dễ chịu, mình chơi kiểu gì cũng được, miễn không làm nó tức thì không sao.

Nhưng nếu kiếm nhiều tiền là phương châm của bạn thì Adsense là dịch vụ mà bạn cần, chỉ với một cái click của GA, bạn sẽ có thể kiếm được từ 5 xu ~ 5$ (1 xu = 0.01$), vượt xa AdBrite. Một khoản tiền rất hấp dẫn phải không, nhưng vấn đề là làm cách nào để được Google Adsense tài trợ bây giờ? Rất đơn giản, bạn "chỉ cần" làm được 3 việc ở trên là sẽ được chấp nhận thôi, những phần sau đó tất cả đều tuỳ thuộc vào tài viết lách và kiếm tiền của bạn. Sau đây là những giải pháp của tôi cho 3 vấn đề đó, lưu ý là không phải ai cũng đồng ý với cách này:

1. Google không chấp nhận tiếng Việt, vì vậy bạn nên làm một trang web tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nào mà bạn biết, và được GA hỗ trợ). Theo ý tôi thì bạn không nên làm một trang web song ngữ, vì như vậy sẽ không ai thèm vào trang của bạn nữa, người Anh thì họ không hiểu tiếng Việt, người Việt cũng không mấy hứng thú với các trang kiểu này (nếu họ muốn đọc bài tiếng Anh thì họ có thể sang các trang tiếng Anh chính hiệu).

2. VNN và dịch vụ Internet: ngoài cách hạn chế truy nhập của mạng VNN ra thì không có cách nào hữu hiệu để giải quyết việc này, một cách khác là bạn chỉ cần quảng bá trang web cho người nước ngoài mà thôi, như vậy thì nếu thỉnh thoảng có một người trong nước lạc vào thì cũng không xảy ra vấn đề gì to tát cả.

3. Trả lời tương tự như câu 1.

Được rồi, như vậy là chúng ta đã qua bước thứ nhất, bước thứ 2 là đăng ký dịch vụ của Google, bạn vào trang www.google.com/adsense .

Cách đăng ký cũng tương tự như AdBrite, chỉ khác là bạn chỉ có thể điền thông tin người nhận tiền 1 lần, và không thể thay đổi, lưu ý là Google Adsense khắt khe hơn AdBrite nhiều, bạn nên đọc qua các quy định của nó một chút, đại loại là nội dung của trang web phải sạch bong (không có hàng lậu, hay bẩn, hay virus), không được đặt quá nhiều quảng cáo của GA, ngôn ngữ phải được hỗ trợ, v.v.

Hướng dẫn đăng ký Google Adsense

Khi bạn đăng ký xong, nghĩa là bạn đã qua bước thứ 2 rồi đấy. Bước tiếp theo chúng ta sẽ nói về các loại hình quảng cáo của Google Adsense:

1. Adsense for Content: loại quảng cáo cơ bản nhất, bạn sẽ đặt bảng quảng cáo của GA vào trang web của bạn (kích cỡ tuỳ bạn chọn), và tuỳ nội dung của trang web đó mà GA sẽ đưa ra quảng cáo thích hợp (vì vậy nên trang web của bạn nên càng có nhiều chữ càng tốt, và nên tập trung vào một chủ đề nhất định). Số tiền mà bạn nhận được tuỳ vào loại sản phẩm được quảng cáo, như quảng cáo về nhà và xe hơi thì sẽ được nhiều tiền hơn sách báo chẳng hạn, và lưu lượng khách tới thăm trang web của bạn (nhiều khách thì nhiều tiền hơn, ít khách thì ít hơn). Bạn có thể đặt tối đa 3 biển quảng cáo + 1 bảng link trên một trang web.

2. Adsense for Search: bạn đặt ô tìm kiếm của Google lên trang web của bạn, nếu có một người nào đó dùng ô đó để tìm kiếm, nhấn vào biển quảng cáo của Google trong ô kết quả, thì bạn sẽ nhận được tiền, cách tính tương tự ở trên, ngoài ra thì không (vô dụng nhỉ?). Bạn có thể đặt tối đa 2 ô tìm kiếm trên một trang web.

3. Referrals: bạn có thể đặt tối đa 4 referrals, mỗi loại referrals chỉ được đặt một lần trên một trang.

a) Google AdSense: quảng cáo cho dịch vụ Adsense, khi có một ai đó đăng ký theo giới thiệu của bạn, kiếm được 100$ trong vòng 180 ngày sau khi đăng kí thì bạn sẽ nhận được 100$, có thể nói là rất khó nhằn, được ăn cả ngã về không.

b) Google AdWords: khi có người đăng ký theo giới thiệu của bạn, và sử dụng 100$ tiền quảng cáo trong vòng 90 ngày sau khi đăng ký thì bạn sẽ nhận được 20$.

c) Firefox plus Google Toolbar: khi có người download chương trình này và sử dụng nó thì bạn sẽ nhận được tối đa 1$ (tuỳ khu vực của người download, ở Việt Nam thì được 0.5$/lần), người đó phải dùng Windows, và chưa cài đặt Firefox bao giờ thì bạn mới nhận được tiền.

d) Picasa: chương trình quản lý ảnh rất tốt, tốc độ nhanh, có các chức năng xử lý cơ bản, nhưng tính năng "xem" ảnh thì lại không tốt lắm (không có chế độ full-screen, khả năng xử lý ảnh dung lượng lớn kém). Các điều kiện cũng tương tự như Firefox.

Phần cuối: một số kinh nghiệm của tôi sau khi dùng thử một thời gian ngắn:

1. Khi được yêu cầu điền thông tin về thuế, hãy chọn mục "Foreign publisher with no U.S. Activities", rồi điền tên của bạn vào để thay cho chữ ký.

2. Nên tạm khoá tài khoản của bạn (vào My Account > Account Settings > Payment Holding, đánh tích vào đấy), rồi chờ cho tới khi bạn được >100$ rồi mới bỏ tích, vì ngân hàng Việt Nam không thanh toán cho séc có giá trị dưới 100$.

Kỳ sau: Phương pháp quảng bá trang web của bạn.

Hướng dẫn quảng cáo bằng dịch vụ AdBrite

Hiện tại có 2 dịch vụ quảng cáo lớn trên thế giới mà lại thích chơi với các trang web nhỏ, đó là Google Adsense và AdBrite. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau (mà tôi sẽ phân tích ở bài khác), Google Adsense không thích chơi với người Việt Nam lắm, cho nên AdBrite vẫn là lựa chọn duy nhất cho chúng ta.

Bài viết này có mục đích hướng dẫn cho những bạn còn bỡ ngỡ với web lập nên trang quảng cáo đầu tiên của mình, và một vài mẹo nhỏ giúp các bạn làm việc đó.

Yêu cầu: cần một trang web cho phép bạn thay đổi cấu trúc của chúng (nghĩa là không dùng được cho Yahoo 360), cái này bạn có thể dùng dịch vụ của www.blogger.com (Google), khá dễ chịu.

Phần 1: Đăng ký dịch vụ

Bạn nhấn vào đây: , rồi chọn learn more ở phần Sell Ads, rồi nhấn tiếp vào nút Start Now. Bạn sẽ được đưa tới trang đăng ký:


(Nhấn vào hình để xem kích cỡ thật)


Một số lưu ý ở đây:

_ Nên đặt password rắc rối nếu bạn muốn kiếm tiền nghiêm túc, ghi nó ra giấy và không lưu ở bất cứ nơi đâu trong máy.
_ First Name: ở đây là tên của bạn, còn Last Name là họ (có thể ghép chung tên đệm), đừng dùng tên viết tắt hay biệt danh hay gì cả, tốt nhất là nên dùng tên trên thẻ CMND của bạn (không có dấu).
_ Phone: đây là trang web quốc tế, nên số điện thoại cũng phải thêm mã quốc gia (084) / mã thành phố (Hà Nội là 04).
_ Address: địa chỉ càng chi tiết càng tốt (có thể để tiếng Việt, nhưng không được điền dấu).
_ Zip Code (Postal Code): theo chủ đề này thì một số Zip Code của nước ta là:
HCM : 70000
HN : 10000
Hải Phòng : 35000
Thái Nguyên : 23000
Trà Vinh : 90000
Tuyên Quang : 25000
Sóc Trăng 97000
Hà Tĩnh 43000
Hưng Yên 39000
(Cũng theo một số ý kiến khác thì Postal Code không quan trọng lắm đối với nước ta)
_ Minimum Check Amount: số tiền tối thiểu mà họ sẽ gửi cho bạn, lưu ý là ngân hàng Việt Nam không nhận đổi séc có giá trị dưới 100$, vậy bạn nên điền số tiền >= 100$ vào đây, nếu bạn đã trót điền số tiền nhỏ hơn vào đây, thì bạn có thể thay đổi nó sau, nếu AdBrite đã gửi séc đi rồi thì bạn có thể nhờ họ khoá nó lại và bảo lưu số tiền của bạn cho tới khi đủ.
_ TaxID: Việt Nam không có mã số thuế, nên điền số CMND vào đây nếu được yêu cầu.
_ Terms and Conditions: AdBrite có cách quản lý khá mềm dẻo, không như Google Adsense, nếu bạn sai sót là cho tạch luôn, nhưng bạn cũng nên đọc qua cái bản thoả thuận của họ cho chắc chắn.

Nhấn nút Sign Up và bạn đã có một tài khoản rồi đấy.

Phần 2: đặt quảng cáo.



Sau khi nhấn vào nút sign up ở trên, bạn sẽ tới một trang khác: đăng ký loại quảng cáo sẽ hiện lên trên trang web của bạn, chia làm 6 bước:

1. Bước 1: loại quảng cáo, chia làm 2 loại: đơn giản (Text ads) và cả trang (Interstitials ads - loại quảng cáo choán hết cả trang, thường nạp 1 lần/ngày, mỗi khi bạn vào trang web, bạn có thể nhấn vào nút "xem tiếp" để bỏ qua quảng cáo này, khó chịu hơn nhưng lãi cao hơn).

2. Mô tả trang web của bạn: tên và địa chỉ thì dễ rồi, phần mô tả: điền càng nhiều từ khoá liên quan đến trang web của bạn càng tốt, phần "name of ad zone" là vị trí của khu vực đặt quảng cáo, nếu bạn đặt ở đầu của trang web thì nên gọi nó là "banner ads on the top of pages" hay gì đó.

3. Nêu đặc điểm trang web: lại từ khoá, và một số thứ khác như độ tuổi của đối tượng phục vụ, thu nhập, trọng nam hay nữ, thể loại nội dung, v.v.

4. Kích thước của quảng cáo (số ký tự, độ dài), có muốn đặt quảng cáo của mạng lưới (Network Ads) không (nên chọn là có, trừ khi bạn có đối tác đăng ký quảng cáo dài hạn rồi), và nội dung của quảng cáo (gia đình hoặc là hơi ngoài luồng, nhưng chưa đến mức nhạy cảm).

Nói thêm về Network Ads: đây là loại quảng cáo cơ bản nhất, được đặt nếu bạn không nhận được hợp đồng quảng cáo của người khác, mỗi lần ai đó nhấn vào quảng cáo này bạn sẽ nhận được vài xu (1 xu = 0.01 USD) tuỳ lưu lượng truy cập và nội dung quảng cáo.

5. Đặt giá: nên đặt càng thấp càng tốt, để thu hút đầu tư, khi có người đặt quảng cáo rồi thì bắt đầu tăng dần.

6. Chọn bảng quảng cáo ngang hay dọc, và đoạn mã của bảng quảng cáo (để paste vào trang web của bạn), bạn có thể điều chỉnh phần .adHeadline (đầu đề của quảng cáo) và .adText (phần thân quảng cáo) để phù hợp với trang web của mình.

Vậy là bạn đã hoàn thành việc tạo nên trang quảng cáo của mình rồi đấy! Tiếp theo chúng ta sẽ nói về một số chức năng của

Phần 3 - Bảng điều khiển tài khoản.

Nhấn vào nút "my account" ở góc trên bên phải màn hình để vào bảng điều khiển này, bạn chỉ cần quan tâm đến phần "selling ads" thôi, vì chắc bạn không muốn làm nhà tài trợ đâu nhỉ?



1. Your earnings: một trong 2 phần quan trọng nhất, thông báo thu nhập của bạn, mỗi khi có một ai đó nhấn vào quảng cáo của bạn thì bạn sẽ nhận được từ 2 ~ 6 xu (1 xu = 0.01 USD), không nhiều lắm đối với một site nhỏ phải không? Vì vậy nên bạn cần phải mở rộng tầm hoạt động của trang web của mình càng nhanh càng tốt thì mới có dịch vụ ngon được.

2. Manage your zones: thay đổi các thông số của trang quảng cáo, đặt thêm trang quảng cáo, v.v. đều vào đây.

Bạn vào Manage your zones > View AdBrite listing để xem các chỉ số của trang web của bạn:



a) 1-Day Text link: nhà đầu tư sẽ quảng cáo trên trang của bạn trong 1 ngày, sau đó bạn sẽ nhận được số tiền này (của tôi do ít người vào nên có 0.75$, bèo nhỉ?). Tương tự cho 7 ngày và 30 ngày.

b) Active Interstitial: ban sẽ nhận được tiền nếu có ai click vào link quảng cáo của nhà đầu tư (số tiền tuỳ thuộc vào thoả thuận của 2 bên).

c) Buy a CPM text ad: CPM là tắt của Cost-per-view/Cost-per-thousand-view/Cost-per-thousand-impression (đừng hỏi tôi vì sao), nói chung là càng có nhiều người vào trang web của bạn (không cần phải click vào quảng cáo) thì bạn sẽ càng có nhiều tiền, số tiền nhận được cũng tuỳ thoả thuận đôi bên.

3. Info and Statistics: phần quan trọng nhất! Thông báo cho bạn về lưu lượng truy cập trang web và số click mà bạn đã nhận được, cập nhật 2h/lần.

4. Payment History: số tiền (mặt) mà bạn đã nhận được qua dịch vụ quảng cáo này.

5. Approve new ads: nếu có ai muốn làm ăn với bạn thì họ sẽ gửi form quảng cáo vào đây, bạn xem có phù hợp không và gửi nó lên trang web.

Trên đây là những mục quan trọng của bảng điều khiển, còn những phần khác thì bạn không cần quan tâm đến mấy, chúng đều là một phần của những mục ở trên, hoặc là đã được nhắc đến trong bài hướng dẫn này rồi.

Phần 4 - Đặt quảng cáo vào trang web của bạn

Phần này khá đơn giản, bạn vào Manage your zones > Get Ad Code, chọn bảng quảng cáo thích hợp (bảng càng to càng chứa được nhiều quảng cáo --> khả năng có người click vào link quảng cáo càng cao), có 2 loại bảng là đặt nằm ngang (Horizontal) và đặt thẳng đứng (Vertical). Tiếp đó bạn có thể thay đổi một số chi tiết của đoạn chữ quảng cáo (như màu sắc, loại font, có in đậm hay gạch chân không) ở 2 dòng:

.adHeadline {font: bold 10pt Arial; text-decoration: underline; color: blue;}
.adText {font: normal 10pt Arial; text-decoration: none; color: black;}

Ngoài 2 dòng này ra bạn không được phép thay đổi một đoạn nào trong quảng cáo hết.

Sau đó bạn copy đoạn code của nó, rồi vào phần code của website của bạn paste vào là xong (tất nhiên là bạn phải có quyền thay đổi nội dung trang web đã, như blog của Yahoo là không làm được điều này).

Bạn có thể đặt quảng cáo ở bất cứ nơi nào mình thích, nhưng theo tôi thì tốt nhất nên đặt nó ở đầu trang web, hoặc nơi nào dễ nhìn. Bạn cũng có thể đặt bao nhiêu quảng cáo cũng được, miễn là đừng biến trang web của mình thành một trang quảng cáo chính hiệu (vì như thế thì sẽ chả có ma nào thèm vào cả), và lưu ý là một số dịch vụ quảng cáo có đề ra giới hạn bảng quảng cáo mà bạn có thể đặt (như Google Adsense chỉ cho đặt 3 bảng quảng cáo trong cùng một trang, tất nhiên điều này chỉ áp dụng cho quảng cáo của họ).

Phần 5 - Mẹo

1. Luật thứ nhất: Đừng để tỉ số Clicks/Hits (số lượt nhấn quảng cáo/số lượt truy cập) quá cao, không là chết đấy, lớn hơn 10% có thể coi là rất cao rồi.

2. Nếu bạn tuân thủ điều trên, thì bạn có thể click thoải mái vào bảng quảng cáo mà không bị gì cả, nhớ là phải xoá cookie trước để họ không nhận ra là chủ trang web đang click vào quảng cáo của mình, và thay đổi IP sau vài lần click (bằng cách tắt/bật modem/router), hạn chế dùng proxy (thằng Google Adsense rất ghét trò này, không biết AdBrite thế nào?).

3. Nên tạo weblink quảng bá trang web của mình để tăng lượt truy cập, và qua đó tăng số quảng cáo bạn thu được. (Nếu bạn nào muốn tạo weblink xin liên hệ với tôi).

Và lời kêu gọi đầu tiên (và cũng là duy nhất của tôi về vấn đề này): nếu bạn thấy blog của tôi cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích/thú vị, xin hãy dành thời gian để click vào quảng cáo của tôi. Bạn có thể click bao nhiêu lần cũng được (một cách rất hữu ích để xả stress :D ), hoặc không một lần nào cả, cũng không sao. Xin lưu ý là chất lượng của blog sẽ không vì thế mà tăng lên hoặc giảm đi, hay thậm chí là sẽ được update thường xuyên hơn, vì tôi chỉ viết bài khi tôi có điều cần chia sẻ, có gì đó hay ho, có thể dịch được và có thời gian mà thôi.

Bài tiếp theo của chủ đề kiếm tiền trực tuyến: Google Adsense: cơ hội làm giàu cho người giỏi tiếng Anh.