Thứ Tư, tháng 12 30, 2009

Ông già Noel liệu có tồn tại thật không?

Ông già Noel liệu có tồn tại thật không?

Ngày 26-12-1997

Chào Cecil,

Hơn một thế kỷ trước, vào ngày 21-9-1897, một cô bé đa nghi đã đặt ra một câu hỏi lớn với người biên tập của tờ New York Sun. Hồi đó chưa có Thuốc Đắng, nên cô bé phải chấp nhận lựa chọn thứ hai này. Tờ Sun đã có lời hồi đáp, một câu trả lời thoả đáng, và là một đáp áp chính xác. Nhưng theo thời gian, nó đã dần trôi vào quên lãng, hoặc bị đưa vào vòng nghi hoặc. Người trả lời cô bé lúc đó chỉ là một nhà báo bình thường nhận công việc này từ sếp của ông ta. Ông ta không phải là Người thông minh nhất thế giới, như anh. Ông ta không được mọi người tín nhiệm bằng anh. Vì vậy, tôi hi vọng rằng anh sẽ không từ chối trả lời một lần dứt khoát câu hỏi này, cho tất cả những cô cậu bé Annies, Ryans, Joshes, Megans và Tammys trên thế giới. Tôi xin được trích lại câu hỏi:

Chào Cecil: Năm nay tôi 47 tuổi. Một vài người bạn của tôi trên diễn đàn Thuốc Đắng nói rằng ông già Noel không có thật. JKFabian nói, “Nếu cậu thấy Thuốc Đắng nói thế nào, thì sự thật là vậy.” Mong anh trả lời thành thật cho tôi. Ông già Noel liệu có tồn tại hay không?

- Ranger Jeff, Thần tượng của American Youth


Cecil trả lời:

Chào Jeff,

Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của ông ta.

Tôi không nói rằng không có vài khía cạnh siêu tưởng trong câu chuyện này. Chúng ta có một số x trẻ em (kể cả khi đã bỏ qua những trẻ em Hồi giáo, Shinto giáo, Hindu giáo, duy linh giáo, v.v., hay những trẻ em bị thiệt thòi về mặt quà tặng), lại có một khoảng thời gian y cho mỗi lượt viếng thăm, và khoảng cách z giữa các căn nhà, ta lại có một Trái Đất với đường kính xác định, và 24 giờ trong ngày. Có điểm gì đó không hợp lý ở đây. Chúng ta lại gặp vấn đề về đường vào những điểm phát quà không có ống khói và lò sưởi, trừ khi ta cho rằng ông già Noel có thể hoá lỏng chui qua các khe cửa, như những sinh vật trong phim The Abyss, một cảnh tượng không lấy gì làm đẹp đẽ. Chưa kể đến sự tồn tại của một khu công nghiệp đồ chơi đồ sộ nhất hành tinh ở một vùng tận cùng thế giới, xa cách hoàn toàn tất cả các nguồn tài nguyên (trừ giá rét), được nguỵ trang khéo léo đến mức che được mắt của vệ tinh quan sát, và không toả ra một chút khí thải nào. Mặc dù nếu bây giờ tôi suy nghĩ kỹ về việc này, thì ở Nam Cực cũng có một lỗ thủng ozone thì phải. Hừm.

Mặt khác, chúng ta cũng phải xét đến các luận điểm sau:

* Rất nhiều các sự kiện khó tin khác lại là có thật. Florida đoạt giải World Series? Rồi Cleveland đoạt giải World Series? So với những việc này, chuyện chuyển và nhận hàng núi quà trong vòng một đêm có gì là khó?

* Do Fed Ex. Ừ nếu chúng ta đang nói về Memphis và những tài xế ham chơi, chứ không phải bắc cực và những chú lùn thì có làm sao? Đừng cứng nhắc quá.

* Ờ thì có thể có một vài sự trợ giúp khác của người trần mắt thịt nữa. Có thể là, với tư cách của một bậc cha mẹ yêu thương con cái, bạn đã có đôi lần giúp đỡ Santa, và nghĩ rằng bạn làm việc đó tự theo ý mình. Những con kiến trong tổ kiến có lẽ cũng nghĩ rằng chúng tự làm việc theo ý của mình nữa. Nhưng, nếu nhìn lại vấn đề một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận rằng có một mục đích lớn lao nào đó đang hiện diện ở đây, và chúng ta là một phần trong guồng máy đó.

* Anh đang nghĩ đến Chi Cục Thuế Nội Địa.

* Ý tôi là mong muốn được rộng lượng. 364 ngày trong một năm con người làm hết tất cả mọi điều tàn ác. Đến ngày thứ 365 chúng ta tặng quà cho trẻ. Tôi không nói là việc sau có thể bù đắp cho việc trước. Tôi không nói là Adolph Hitler sẽ không tặng quà cho con cái của y, nếu y có con cái. Tuy nhiên, nó cũng phải có một ý nghĩa nhất định nào đó chứ. Việc tặng quà mà không đòi hỏi bất kỳ một ân huệ nào từ người khác đủ khác biệt với bản tính thường ngày của chúng ta, đến mức nó có thể được coi như là một bí ẩn. Và nếu bí ẩn đó có một tên gọi, tên của nó sẽ là Ông già Noel.

* Còn nữa, lòng tin vào ông già Noel đồng nghĩa với lòng tin vào phép nhiệm màu. Niềm tin vào phép màu về nhiều mặt là có hại. Vì nó mà có rất nhiều người nghĩ rằng có chuyện người ngoài Trái Đất bắt cóc người thường, rằng Elvis vẫn còn sống, hoặc bạn có thể kiếm bộn tiền bằng việc dán phong bì tại gia, hoặc người thuyết giáo trên TV có thể chữa lành bệnh của bạn nếu bạn gửi cho ông ta 50 đôla. Có cả một giai cấp người, mà người phụ trách chuyên mục này là một, cống hiến cuộc đời của họ cho việc dập tắt những hi vọng hão huyền này. Chắc chắn đó là việc nên làm. Nhưng ngay cả những người nghiêm khắc nhất trong số chúng tôi cũng vẫn nhớ được sự kỳ diệu mà mình đã cảm thấy khi biết rằng có một lực lượng nào đó quan tâm đến hạnh phúc của mình, và không bị bó buộc bởi những quy luật của thế giới tầm thường này. Vì vậy, nếu có một người nào đó muốn tuyên bố thẳng thừng rằng ông già Noel không tồn tại, người đó sẽ không phải là tôi.

— Cecil Adams

Nguồn: http://www.straightdope.com/columns/read/1370/is-there-a-santa-claus

Thứ Năm, tháng 12 10, 2009

Đại chiến Z

Đại chiến Z

Đại chiến Z

Lịch sử truyền miệng về cuộc chiến chống Thây ma

Tác giả: Max Brooks
Dịch giả: Vũ Minh Dũng
Đăng trên: http://vneditor.blogspot.com


Lời giới thiệu

Nó được gọi bằng nhiều cái tên: “Đại khủng hoảng,” “Thời kỳ đen tối,” “Dịch biết đi,” cũng như những danh từ mỹ miều và “xì-tin” khác như “Đại chiến thế giới Z” hoặc “Chiến tranh Z đệ nhất.” Bản thân tôi không thích cái tên gọi sau này bởi nó có ngụ ý về một cuộc “Chiến tranh Z đệ nhị” trong tương lai. Đối với tôi, nó sẽ mãi được gọi là “Cuộc chiến Thây ma,” và tuy có nhiều người sẽ phản đối tính chính xác của từ thây ma này, họ sẽ khó có thể tìm được một từ nào được chấp nhận nhiều hơn để đặt cho những con quái vật đã suýt chút nữa tiêu diệt được toàn bộ giống loài chúng ta. Thây ma vẫn là một từ đáng sợ, có thể gợi lên rất nhiều ký ức và cảm xúc mà không một từ nào khác có thể làm được, và chính những ký ức và cảm xúc đó là chủ đề của quyển sách này.

Bản báo cáo về cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử loài người này lại có căn nguyên từ một cuộc chiến rất nhỏ hơn, rất riêng tư hơn giữa tôi và bà chủ tịch Hội đồng Báo Cáo Hậu chiến của Liên Hợp Quốc. Công việc ban đầu của tôi ở Hội đồng có thể được diễn tả một cách đơn giản là thành quả của đam mê. Ngân sách đi lại, giấy thông hành, bộ phiên dịch, cả người lẫn máy, cũng như chiếc máy đánh chữ qua giọng nói, người bạn nhỏ nhắn và gần như vô giá của tôi (nó là món quá quý giá nhất mà một người đánh máy tồi nhất thế giới có thể có được), tất cả đều nói lên sự đề cao và trân trọng những cống hiến của tôi dành cho dự án này. Vì vậy nên không phải nói lại là tôi kinh ngạc đến mức nào khi gần một nửa của công trình đó bị loại ra khỏi bản thảo báo cáo chính thức.

“Nó quá thiên về tình cảm,” bà ấy nói vậy ở một trong nhiều cuộc thảo luận “sôi nổi” giữa chúng tôi. “Quá nhiều ý kiến, quá nhiều cảm xúc. Đây không thể là nội dung của một bài báo cáo. Chúng ta cần các số liệu và dữ kiện cụ thể, không dính dáng gì đến yếu tố con người.” Tất nhiên, bà ấy nói đúng. Bản báo cáo chính thức là một tập hợp những dữ liệu cứng, vô tri giác, một bản báo cáo hậu sự, khách quan, cho phép các thế hệ tương lai có thể nghiên cứu về các sự kiện của thập kỷ khốc liệt này mà không bị chi phối bởi “yếu tố người”. Nhưng chẳng phải chính cái yếu tố người này là cầu nối chắc chắn nhất của chúng ta tới quá khứ sao? Liệu hậu thế có quan tâm đúng mức đến lịch trình sự kiện và số liệu thống kê không, hay họ lại muốn nghe những câu chuyện kể về những cá nhân tương đồng với họ hơn? Với việc bỏ qua yếu tố con người, có phải chúng ta đã tự tách cái tôi của mình ra khỏi lịch sử, để rồi, cầu trời là không, một ngày mai lặp lại nó chăng? Và cuối cùng, chẳng phải yếu tố con người là điểm khác biệt chính duy nhất giữa chúng ta và những kẻ thù được ta gọi là “xác sống” hay sao? Tôi trình bày quan điểm này, có lẽ với một phong cách hơi thiếu chuyên nghiệp hơn thường lệ, tới “sếp”, và lời cảm thán của tôi, “chúng ta không thể để những câu chuyện này chết đi được” được trả lời một cách đơn giản và ngay lập tức rằng, “Vậy thì đừng để nó chết. Viết sách đi. Anh vẫn còn nguyên bộ ghi chép của mình, và quyền sử dụng chúng. Có ai cấm anh giữ những câu chuyện này sống mãi trong một quyển sách chết tiệt nào đó (tự kiểm duyệt) đâu?”

Một số nhà phân tích chắc chắn sẽ phản đối ý tưởng một quyển sách lịch sử cá nhân quá sớm sau cuộc chiến thế giới. Vì dù sao đi nữa, bây giờ mới là mười hai năm kể từ Ngày Chiến thắng được công bố ở đại lục Hoa Kỳ, và gần một thập kỷ kể từ ngày siêu cường cuối cùng trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày Trung Quốc Chiến thắng.” Và bởi vì hầu hết mọi người đều coi Ngày Trung Quốc Chiến thắng là thời điểm kết thúc chính thức, làm sao chúng ta có thể có được tầm nhìn bao quát, khi mà theo lời của một phát ngôn viên LHQ, “Chúng ta đã có thời gian sống trong thời bình gần bằng trong thời chiến.” Đây là một luận điểm xác đáng, và cần một câu trả lời. Và trong trường hợp của thế hệ chúng ta, những người đã chiến đấu và hi sinh để giành lấy cho chúng ta thập kỷ hoà bình này, thời gian vừa là kẻ thù, mà cũng vừa là một người đồng minh. Đồng ý là những năm tháng sắp tới sẽ cho chúng ta một tầm nhìn sau, cộng thêm kiến thức vào với ký ức nhìn qua lăng kính của một thế giới trưởng thành, hậu chiến. Tuy nhiên, rất nhiều những ký ức đó có thể sẽ không còn tồn tại nữa, bị nhốt trong những cơ thể và tâm hồn đã quá hư hại và yếu ớt để có thể nhìn thấy thành quả của họ được gặt hái. Không phải bí mật lớn rằng tuổi thọ người trên toàn thế giới chỉ còn là một chiếc bóng khi so với số liệu thời tiền chiến. Nạn suy dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, sự xuất hiện của những dịch bệnh đã bị dập tắt, ngay cả Hoa Kỳ, với nền kinh tế đang dần khôi phục và chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, cũng không thoát khỏi thực trạng này; chúng ta hoàn toàn không có đủ tài lực để chăm sóc cho toàn bộ các thiệt hại về thể chất và tinh thần. Thời gian, chính vì kẻ thù này mà tôi đã quyết định bỏ qua sự xa hoa của tầm nhìn sau, và xuất bản những câu chuyện kể này. Có thể là nhiều thập kỷ sau, sẽ lại có người nào đó đảm nhiệm việc ghi lại kinh nghiệm của những người sống sót già hơn rất nhiều, và thông thái hơn cũng rất nhiều. Có thể tôi sẽ là một người trong bọn họ.

Mặc dù đây chủ yếu là một quyển sách của những ký ức, nó cũng chứa đựng nhiều chi tiết báo cáo, kỹ thuật, xã hội, kinh tế, v.v., có thể tìm thấy trong bản Báo cáo Hội đồng, có liên quan tới câu chuyện của những người được nói đến. Đây là quyển sách của họ, chứ không phải là của tôi, và tôi đã cố gắng duy trì sự vô hình của mình đến mức có thể. Những câu hỏi được bao gồm trong bài viết có thể coi là được đặt ra bởi chính độc giả. Tôi đã cố giữ lại mọi ý kiến, hoặc nhận xét thuộc bất kỳ thể loại nào, và nếu có một yếu tố người nào đó cần bị loại bỏ, hãy để nó là của tôi.

Thứ Ba, tháng 12 08, 2009

Nếu chúng ta bị rơi vào lỗ đen thì có làm sao không? (lật lại)

Nếu chúng ta bị rơi vào lỗ đen thì có làm sao không? (lật lại)

Ngày 27-11-2009

Chào Cecil,

Tôi vừa đọc bài báo năm 1981 của anh về việc gì sẽ xảy ra khi Trái Đất bị hút bởi một lỗ đen. Tôi muốn hỏi là bài báo này liệu có còn hiệu lực gì với lý thuyết đương đại không?

- outlierrn, qua diễn đàn Straight Dope


Cecil trả lời:

Không nhiều. Thậm chí, theo một số ý kiến, nó còn sai bét nhè ngay tại thời điểm đó. Khi bài lỗ đen cũ của tôi được gửi lên tuyển tập kinh điển tại Straightdope.com, một nhận xét thông thường có dạng thế này: “Ừ thì bài đấy đọc cũng hay đấy, nhưng nó chả cho người đọc biết cái gì về chuyện sẽ xảy ra nếu anh ta bay vào một lỗ đen cả.”

Tôi cũng thừa nhận là mình không được 100% nghiêm túc khi trình bày về vấn đề này, và đã làm mất lòng những người đang cần một lời khuyên thực tiễn. Tuy nhiên, tôi cũng thực tế theo cách riêng của mình. Như tôi đã diễn giải một cách khá dài dòng văn tự, bạn không thể nào biết chuyện gì đang diễn ra khi bạn rơi vào một lỗ đen, vì lý do đơn giản là bạn sẽ chết rồi. Dĩ nhiên, đây có lẽ không phải là lời giải thích mà những nhà phê bình khoa học muốn nghe. Họ muốn biết trải nghiệm của bạn xét về mặt lý thuyết là gì, hoặc ít nhất là, cái xác của bạn sẽ gặp hiện tượng gì, nếu nhìn qua nhãn quan của Chúa. Sẵn lòng thôi. Sau đây là những chỉ dẫn cụ thể giúp bạn tận dụng tối đa trải nghiệm lỗ đen của mình, kể cả khi bạn thực sự sẽ không thể trải nghiệm được điều gì.

Hãy bỏ qua tất cả những siêu tân tinh, sao nơ-trôn co lại, đĩa bồi đắp, v.v. có thể xuất hiện. Tất cả những hiện tượng này đều được đề cập đến trong bài báo trước, là những hiểm hoạ kèm theo lỗ đen. Tôi không nghĩ là chúng không có điểm thú vị riêng, nhưng chúng không phải là những yếu tố thiết yếu của một lỗ đen. Bạn không muốn bị nói là bạn chỉ cách một lỗ đen có chừng này, nhưng rồi lại toi đời chỉ vì một hiện tượng tự nhiên loại thứ cấp đâu nhỉ?

Đừng lo chuyện bạn sẽ rơi mãi mãi trong lỗ đen và không bao giờ xuống đến đáy được. Tôi có nói rằng đây là một trong các khả năng. Tôi phải xấu mặt thừa nhận là mình đã sai. Sự thật, ít nhất là những điều chúng ta có thể biết về một hiện tượng mà theo định nghĩa không thể biết được, là đối với một người quan sát ở ngoài, bạn sẽ có vẻ đang rơi mãi mãi, vì lý do tôi không cần giải thích thêm. Tuy nhiên, bản thân bạn sẽ phi thẳng vào tâm theo đúng lịch trình, hoặc ít nhất, tôi nghĩ là vậy.

Cẩn thận thuỷ triều. Chúng ta đang tiến vào trọng tâm của vấn đề. Chắc bạn đã nghe nói đến sự nguy hiểm của thuỷ triều? Bạn còn chưa biết chuyện đó bẻ làm đôi đâu. Một khi bạn đã trải qua cơn thuỷ triều của lỗ đen, tôi chắc chắn là bạn sẽ không còn than phiền về bất kỳ vấn đề nào trên đời nữa. Về cơ bản nó là thế này: lực trọng trường, là lực tạo ra thuỷ triều, giảm rất nhanh theo khoảng cách. Phần của vật thể gần tâm trọng trường nhất sẽ bị kéo mạnh nhất, phần ở giữa sẽ chịu lực kéo trung bình, và phần xa nhất lực kéo sẽ là yếu nhất. Kết quả là vật thể sẽ bị kéo dài ra, như một quả bóng bầu dục. Đây là lý do mà chúng ta có hai đợt thuỷ triều mỗi ngày, ở hai phía đối diện của Trái Đất.

Nếu lực trọng trường là rất lớn, vật thể sẽ bị kéo ra rất dài, như mì sợi. Chắc bạn cũng biết điều này có nghĩa là gì, và xét về mặt sức khoẻ của bạn, nó không có lợi lắm. Sức kéo của trọng lực gây ra bởi một lỗ đen cao đến mức mà dưới tác dụng của lực thuỷ triều, từng phân tử trong người bạn sẽ bị xé nát và rút gọn thành, theo kiến thức hiện tại của tôi, các hạt quark cơ bản. Đây là cốt lõi của trải nghiệm rơi vào lỗ đen, và kết cục tất yếu của bạn.

Quên đi các lỗ sâu đục. Lỗ sâu đục là một chủ đề yêu thích của các lý thuyết gia. Chúng là những ống mỏng trong không-thời gian mà theo lý thuyết tạo ra các đường dẫn từ điểm này trong không-thời gian sang điểm khác, như trong trò chơi Cầu trượt và Cầu thang. Một lỗ đen có thể, trên lý thuyết, đóng vai trò là đường dẫn vào một lỗ sâu đục, gợi lên nhiều giả thuyết rất thú vị. Đáng tiếc là lỗ sâu đục sẽ co lại ngay khi chúng vừa thành lập, khiến chúng trở thành những công cụ phi thực tế cho du hành giữa không-thời gian. Các nhà lý luận học cũng đã có đề xuất một vài phương pháp khắc phục nhược điểm này, nhưng chúng ta không cần xem họ xây tháp ngà voi làm gì.

Hãy đâm vào lỗ đen lớn nhất mà bạn tìm thấy. Đây là bí quyết cho một kỳ lướt lỗ đen thành công, với điều kiện chúng ta sử dụng một định nghĩa rất rộng của thành công. Nếu chiếc lỗ đen đủ lớn, bạn sẽ có thể vượt qua được chân trời sự cố (hay giới hạn lỗ đen) trước khi bị lực thuỷ triều dập chết. Giả sử bạn chưa bị chết bởi một hiện tượng nào trước đó, bạn sẽ có thể lĩnh hội được, trong khoảnh khắc, đỉnh cao của thú chơi cảm giác mạnh nhất trên đời này.

— Cecil Adams

Nguồn: http://www.straightdope.com/columns/read/2909/what-would-happen-if-you-were-swallowed-by-a-black-hole-revisited

---------------------

Giải nghĩa:

* Đĩa bồi đắp (accretion disk): Đĩa bồi đắp là một cấu trúc có từ vật chất đang rơi vào và chuyển động quanh nguồn hấp dẫn, mang hình đĩa do tác động của lực li tâm.

* Cầu trượt và Cầu thang (Chutes and Ladders): một trò chơi xúc sắc của trẻ em.

* Tháp ngà voi (ivory tower): một ý tưởng hão huyền, xa rời thực tế (nghĩa đen: ngà voi là vật liệu đẹp, quý, nhưng không thể dùng để xây dựng).

Thứ Sáu, tháng 12 04, 2009

Nếu chúng ta bị rơi vào lỗ đen thì có làm sao không?

Nếu chúng ta bị rơi vào lỗ đen thì có làm sao không?

Chào Cecil,

Anh trả lời hộ em mấy câu hỏi này với, nhanh nhé:

1. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất bị hút bởi một lỗ đen?

2. Người trần mắt thịt chúng ta sẽ có số phận như thế nào nếu chuyện đó xảy ra? Liệu chúng ta có nhận biết được nó không?

Số phận của cả nhân loại tuỳ thuộc vào câu trả lời của anh đấy!

- KC, Los Angeles



Cecil trả lời:

Bình tõm nào chú em. Theo suy đoán của các nhà khoa học thì hầu hết các lỗ đen vũ trụ đều được tạo ra từ sự co lại của những ngôi sao rất lớn – ít nhất là gấp 10 lần mặt trời. Quá trình xảy ra, chắc cậu cũng biết rồi, bắt đầu từ lúc ngôi sao bị mất hết khí, giãn ra tới kích thước của một sao đỏ khổng lồ và nổ tung thành một sao băng. Tất cả những thứ còn sót lại sau đó sẽ co lại thành một nhân rất nhỏ và rất đặc.

Tới giai đoạn sao nơ-trôn (rất rất đặc), nếu khối lượng của ngôi sao vẫn gấp 3 lần mặt trời, thì nó sẽ tiếp tục co lại tạo thành một lỗ đen, lực hấp dẫn của nó sẽ trở nên rất lớn, ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi lỗ được.

Điều này sẽ không xảy ra cho mặt trời của chúng ta, nhưng đừng vội mừng. Sự sống trên một hành tinh sẽ bị chấm dứt khi nó trở thành một sao đỏ khổng lồ (hoặc sớm hơn), và đây là kết cục tất yếu của tất cả mọi ngôi sao.

Vậy giả sử bạn đang du hành vũ trụ trong chiếc phi thuyền mini, và đâm phải một lỗ đen thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Về cơ bản, bạn sẽ bị hút vào đĩa của lỗ đen, một vòng giống xoáy nước được tạo ra bởi khí và bụi xoay quanh tâm lỗ. Càng vào gần tâm, nhiệt độ của lỗ sẽ càng tăng lên, ở cách 100 dặm, nhiệt độ đó sẽ là 2.000.000 Kelvin. Khỏi phải nói, ở nhiệt độ này thì cả bố Diêm Vương cũng phải thành bê thui, chưa kể đến các vật khác.

Thế nhưng, nếu phi thuyền của bạn có lắp một bộ điều hoà siêu vạn năng, thì sao? Chúng ta chỉ có thể đưa ra một số giả thuyết mà thôi. Theo định nghĩa của lỗ đen, tất cả vật chất của lỗ cuối cùng sẽ bị co lại thành một điểm gọi là “kỳ dị”, ở đó mật độ và áp suất là vô cùng, và không-thời gian trở nên vô nghĩa.

Một số người cho rằng khi bạn tiến gần tới điểm này thì không-thời gian sẽ co lại cho bạn, nghĩa là bạn sẽ chuyển động ngày càng chậm dần, hay nói cách khác, bạn sẽ không bao giờ tới được tâm lỗ đen mà sẽ bị rơi vĩnh viễn.

Giả thuyết thứ hai là lỗ đen đó sẽ uốn cong không-thời gian đến mức mà một “lỗ sâu đục”, hay “cầu nối Einstein – Rosen” sẽ được tạo thành. Bạn sẽ bị hút vào một đầu và nhả ra ở đầu kia, ở một nơi khác trong không gian và thời gian. Ví dụ: Matoon, bang Illinois thứ 3 tuần trước. Không đáng công sức bỏ ra, theo ý kiến của tôi.

Giả thuyết thứ ba (hơi dài dòng), như sau: vì lý do nào đó mà tôi cũng không rõ lắm, khi một lỗ đen tăng đến khối lượng rất lớn, mật độ của nó lại bắt đầu giảm đi. Nếu cả vũ trụ co lại thành một hố mun (gọi lỗ đen nhiều quá rồi), thì LĐ đó sẽ có đường kính khoảng 10 tỷ năm ánh sáng, với mật độ của khí loãng. Nếu ta theo đuổi giả thuyết này đến cùng, thì rất có thể cả vũ trụ, mà ta là một phần li ti của nó, chỉ là một lỗ đen mà thôi.

Vì vậy, theo tôi, câu hỏi tất yếu ở thời điểm này là: làm thế nào chúng ta thoát khỏi nơi đây? Phản ứng của quan chức ta trước thực trạng đáng sợ này thật đáng để lên án.

- Cecil Adams, ngày 07-08-1981

Nguồn: http://www.straightdope.com/columns/read/183/what-would-happen-if-you-were-swallowed-by-a-black-hole

-----------------------

Ghi chú (theo giải thích của sách Lược Sử Thời Gian, tác giả Stephen Hawking, dịch giả Cao Chi và Phạm Văn Thiều):

* Cầu nối Einstein – Rosen (Eistein – Rosen bridge): một ống mỏng của không-thời gian nối hai lỗ đen.

* Không-thời gian (Space-time): một không gian 4 chiều, với thời gian là chiều thứ 4.

* Kỳ dị (Singularity): một điểm của không gian tại đó độ cong của không-thời gian trở nên vô cùng.

* Lỗ đen (Black hole): vùng của không-thời gian từ đó không gì thoát ra khỏi được, kể cả ánh sáng vì hấp dẫn quá mạnh.

* Lỗ sâu đục (Wormhole): một ống mỏng của không-thời gian nối các vùng ở xa của vũ trụ. các lỗ sâu đục cũng nối các vũ trụ song song hoặc các vũ trụ sơ sinh và có thể tạo ra khả năng du hành theo thời gian.

* Tâm lỗ đen (Ground Zero)

* Sao băng, siêu tân tinh (Supernova): ngôi sao bị nổ, phát ra bức xạ ánh sáng cực mạnh.

* Sao đỏ khổng lồ (Red giant): ngôi sao lớn đã tồn tại gần nửa đời của nó và phát ra ánh sáng màu đỏ nhạt.

* Sao nơ-trôn (Neutron star): một sao lạnh tồn tại nhờ lực đẩy phát sinh từ nguyên lý loại trừ giữa các nơ-trôn.

Thứ Ba, tháng 12 01, 2009

Gần một nửa dân số Mỹ cho rằng Trái Đất trẻ hơn 10.000 tuổi?

Gần một nửa dân số Mỹ cho rằng Trái Đất trẻ hơn 10.000 tuổi?

Này Cecil, gần đây tôi có đọc một bài nghiên cứu nói rằng 45% dân số Mỹ tin là Trái Đất ít hơn 10.000 tuổi. Điều này có lẽ đã giải thích được kết quả bầu cử mấy năm gần đây, nhưng chẳng lẽ lại như vậy thật? Người Mỹ không thể nào ngu như thế được! Tôi đã thử tìm trên mạng thì được biết đây là kết quả một đợt khảo sát năm 2004. Nhưng tôi vẫn không thể tìm được một dẫn chứng cụ thể, hay nội dung bài nghiên cứu gốc đó thế nào. Liệu nó có tồn tại thật không, hay đây chỉ là tin vịt được các chuyên gia cạc cạc phát tán vậy? (Xin đừng nêu tên của tôi ra, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của tôi trong quân đội) - độc giả giấu tên gửi qua thư điện tử.


Cecil trả lời:

Trước khi chửi bới bọn ếch thì cậu cũng cần phải trèo ra khỏi miệng giếng đã, cóc ạ. Mặc dù có thể có chuyện một số người Mỹ tin vào thuyết "Trái Đất trẻ" (nghĩa là tuổi Trái Đất ít hơn 10.000) thật, nhưng theo tôi được biết thì đó không phải là nội dung của bài nghiên cứu kia. Chắc cậu đang nói đến bài khảo sát năm 2004 của tổ chức Gallup về "si nghĩ" rằng nhân loại mới có 10.000 năm tuổi. Họ bắt đầu chiến dịch khảo sát này lần đầu năm 1982, và một vài lần sau đó, gần đây nhất là vào tháng 5 năm 2006. Những người tham gia cuộc khảo sát có 3 lựa chọn trả lời:

* "Chúa tạo ra con người với hình dạng như chúng ta hiện nay trong khoảng 10.000 năm trở lại đây" - tạm gọi đây là quan điểm của phe sáng tạo.

* "Loài người đã tiến hoá hàng triệu năm từ các loài vật cấp thấp hơn, dưới sự dẫn dắt của Chúa" - đây là phe hữu thần.

* "Loài người đã tiến hoá hàng triệu năm từ các loài vật cấp thấp hơn, nhưng Chúa không có bất cứ một vai trò nào trong việc này" - phe tự nhiên.

Từ năm 1982 đến 2006, số người thuộc phe sáng tạo nằm trong khoảng từ 44 đến 47%, còn những người theo thuyết vô thần chỉ chiếm khoảng 9 - 13% mà thôi. Trong khi đó phe trung lập (hữu thần) lại có từ 35 - 40% số phiếu. Có thể nói không có nhiều thay đổi trong vòng 24 năm qua, nếu ta không tính đến chuyện phe tự nhiên được thêm vài lá phiếu nữa. Một số cuộc khảo sát tương tự do Trung Tâm Nghiên cứu Pew và đài NBC tổ chức cũng cho kết quả như vậy; còn nghiên cứu của đài CBS từ năm 2004 đến 2006, và của đài CNN/USA Today/Gallup năm 2005 lại nghiêng hẳn về thuyết sáng tạo, cho kết quả vào khoảng 51 - 53%.

Ở một mức độ nào đó, kết quả khảo sát còn phụ thuộc vào cách đặt vấn đề. Những người làm ở TTNC Pew nhận thấy trong khảo sát của họ có nhiều người ủng hộ thuyết tiến hoá hơn của Gallup (26% so với 13%). Lý do theo nhận định của Pew, là vì trong câu hỏi của họ không nhắc đến Chúa, còn Gallup thì có. Nhiều người vì ngại xúc phạm tôn giáo của mình nên đã chọn phương án hữu thần trung lập kia. Nhưng con số những người theo thuyết sáng tạo thì lại không thể lý giải một cách dễ dàng như vậy được. Thực tế đáng buồn là mặc dù khoa học đã đưa ra rất nhiều bằng chứng cho thấy con người có nguồn gốc từ loài vượn cổ hàng chục triệu năm về trước, nhưng gần một nửa đất nước vẫn không tiêu hoá được điều này.

Nếu cậu muốn giảng về địa phương chủ nghĩa thì đây cũng là một luận điệu thuyết phục đấy. Cuộc khảo sát năm 2005 do báo Harris tiến hành cho thấy 73% đảng viên đảng Cộng Hoà tin vào thuyết sáng tạo, đối lập với 58% của đảng Dân Chủ và 57% thành viên các đảng khác (số liệu này cao hơn bình thường có lẽ vì cách đặt câu hỏi mà tôi đã nói đến ở trên). Kết quả cũng nói là những người sống ở các bang phía Đông Bắc và phía Tây ít tin vào thuyết sáng tạo hơn những người ở phía Nam và Trung-Bắc; và những người già hơn 55 tuổi dễ tin hơn người trẻ tuổi. Cuộc bình chọn năm 1991 của Gallup lại cho thấy số người tốt nghiệp đại học - cao đẳng tin vào thuyết sáng tạo chỉ bằng một nửa những người chưa tốt nghiệp trung học. Tương tự, những người có thu nhập cao hơn 50.000 đô một năm theo thuyết này cũng chiếm số lượng ít hơn những người có thu nhập thấp hơn 20.000 đô/năm. Năm 1997, Gallup thông báo là có khoảng 5% các nhà khoa học tin vào thuyết sáng tạo; quá nhiều, hay may mà chỉ có chừng đấy, tuỳ theo cách nhìn nhận của cậu.

Vậy chúng ta so với các nước khác trong vấn đề này như thế nào? Không ổn lắm. Trong một nghiên cứu của tạp chí Science năm 2006, Hoa Kỳ xếp hạng bét trong số 34 quốc gia theo tỷ lệ người dân tin vào thuyết tiến hoá, chỉ trước Thổ Nhĩ Kỳ. Gần 40% người Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát chối bỏ thuyết tiến hoá, trong khi đó con số này ở các nước châu Âu và Nhật là khoảng 7 - 15%. Điều này giải thích một phần nguyên nhân trẻ con Mỹ kém Toán và các môn khoa học khác so với học sinh các nước phát triển đến như vậy, đồng thời khẳng định một chân lý vĩnh cửu: kiến thức càng tăng thì dị đoan càng giảm.

- Cecil Adams, ngày 10-11-2006

Nguồn: http://www.straightdope.com/columns/061110.html