Thứ Tư, tháng 4 25, 2007

Ubuntu shipit, dịch vụ tặng đĩa

Như tôi đã nói ở bài trước, bạn có thể đăng ký nhận đĩa cài đặt Ubuntu do nhà sản xuất gửi tặng. Thủ tục rất đơn giản, bạn chỉ cần vào trang https://shipit.ubuntu.com, đăng ký một tài khoản là có thể nhận đĩa rồi.

Khi yêu cầu đĩa tặng, bạn phải cung cấp một số thông tin như mẫu sau:

http://img201.imageshack.us/img201/8483/requestbd5.png

1. Số lượng đĩa yêu cầu: nếu bạn yêu cầu 1 đĩa thì họ sẽ gửi cho bạn bản Ubuntu (32 bit hoặc 64 bit, nếu bạn không biết máy mình có hỗ trợ 64 bit không thì nên lấy bản 32 bit), nếu 3 đĩa thì họ sẽ gửi cho bạn Ubuntu, Kubuntu và Edubuntu mỗi thứ một đĩa, nếu bạn muốn đặt hơn 3 đĩa thì phải có lý do chính đáng.

2. Tên, nơi công tác, địa chỉ, v.v. những cái này thì dễ rồi.

Sau khi đã hoàn thành, bạn chỉ cần nhấn vào nút "Request CDs" rồi chờ khoảng 1 tháng, nhà phân phối sẽ gửi đĩa về tận nhà cho bạn.

http://img201.imageshack.us/img201/5328/131206103300fi0.jpg

http://img137.imageshack.us/img137/7281/131206104000zh2.jpg

Chủ Nhật, tháng 4 22, 2007

Ubuntu 7.04, hướng dẫn cài đặt

Để cài đặt Ubuntu bản mới nhất này, bạn có rất nhiều lựa chọn, đó là:

1. Sử dụng đĩa Desktop (đĩa dùng thử) để cài đặt, bạn sẽ thực hiện việc cài đặt trong môi trường làm việc của máy tính, nhận được sự trợ giúp tối đa từ màn hình làm việc, và có thể vừa cài đặt vừa lướt net, chơi game, đọc hướng dẫn, v.v.



2. Sử dụng đĩa Alternate (đĩa cài đặt chuyên nghiệp): không có chức năng dùng thử, nhưng bạn có thể cài đặt các cấu hình phức tạp mà đĩa Desktop không có, như phân vùng RAID, hệ điều hành không giao diện, tự động điều chỉnh cấu hình cài đặt, v.v. Nếu bạn là một người dùng bình thường thì nhiều khả năng bạn sẽ không cần đến mấy tính năng này, và có thể dùng chiếc đĩa này để cài đặt, hay nâng cấp như bình thường.

3. Sử dụng đĩa Server (cài đặt cho máy chủ): chỉ cài bộ khung cho hệ điều hành (đủ để làm một máy chủ), chúng ta không cần phải quan tâm lắm đến cách này.

Theo tôi thì cách tốt nhất để cài đặt Ubuntu là sử dụng đĩa Desktop, vì làm cách này bạn có thể sử dụng máy tính trong khi cài đặt, chứ không phải chờ nó cài đặt xong xuôi mới táy máy vào. Bạn có thể download chương trình cài đặt tại Trang chủ của Canonical, nếu bạn dùng PC (Windows) thì bản bạn cần dùng là Ubuntu 7.04 Desktop i386, bạn có thể download bằng http hoặc torrent đều được. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt nhận đĩa tặng của nhà sản xuất, nhưng vấn đề này tôi xin nói ở bài sau.

Sau khi đã download được file ISO rồi, việc tiếp theo bạn cần làm là tìm cách để ghi nó ra đĩa, nếu bạn có ổ ghi thì tuyệt, nhưng nếu không có thì cũng không sao, vì bạn có thể lấy nó trực tiếp từ phía nhà sản xuất (xin đón xem ở bài sau).

Khi mọi công cuộc chuẩn bị đã hoàn tất, bạn chỉ cần nhét chiếc đĩa cài đặt vào ổ CD, rồi khởi động lại máy, nhấn Enter khi có dấu nhắc và máy sẽ tự khởi động vào hệ điều hành dùng thử cho bạn.



Chạy chương trình "Install", bạn sẽ phải thiết lập một số cấu hình cơ bản sau:

1. Chọn ngôn ngữ, nếu bạn chọn tiếng Việt thì giao diện cài đặt sẽ được chuyển sang tiếng Việt, rất hữu ích nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm sử dụng máy tính (và tiếng Anh).



2. Chọn khu vực sinh sống: một lựa chọn đơn giản, giờ máy tính của bạn sẽ được điều chỉnh tương ứng.



3. Chọn bàn phím: loại bàn phím thông thường mà ta sử dụng là U.S. English.



4. Cài đặt phân vùng: đây là công đoạn rất quan trọng !! Tất cả dữ liệu trên phân vùng bạn thay đổi sẽ bị xoá sạch, nếu bạn có dữ liệu quan trọng thì nên sao lưu nó ra chỗ khác trước! Theo ý tôi một hệ điều hành Linux sẽ làm việc tốt nhất nếu chia thành các phân vùng sau:

    Phân vùng - Chức năng - Vị trí (Mount Point) - Dung lượng - Chú thích (nếu có)

    PV 1 - Windows XP/NTFS - /media/Windows - 10 GB - hệ điều hành Windows
    PV 2 - Swap - (không có) - 1 GB : đóng vai trò làm bộ nhớ ảo cho Linux
    PV 3 - Ubuntu/ReiserFS - / - 10 GB - hệ điều hành Ubuntu
    PV 4 - Extended Partition - (không có) - (còn lại) - phân vùng mở rộng, chứa các phân vùng sau nó
    PV 5 - FAT32 - /media/Dulieu - (càng nhiều càng tốt) - dùng để lưu trữ và trao đổi dữ liệu giữa Windows và Ubuntu
    PV - ReiserFS - /home - 10~20 GB - lưu trữ dữ liệu của người dùng trong Ubuntu


Chú ý:

Thứ tự các phân vùng có thể thay đổi được, nhưng nếu bạn cài Windows trước thì phân vùng 1 luôn là của Windows.

Phân vùng Ubuntu là quan trọng nhất và bắt buộc phải cài ở vị trí / (thư mục gốc).

Phân vùng 6 không cần thiết lắm, nhưng rất hữu ích khi cập nhật hệ thống hay có lỗi gì đó, vì khi đó bạn chỉ cần format lại phân vùng của hệ điều hành ( / ) là giải quyết được vấn đề, mà không bị mất dữ liệu gì quan trọng cả.

5. Nhập dữ liệu từ phân vùng Windows hoặc từ dữ liệu người dùng từ các lần cài đặt trước: đây chức năng tự động cài đặt phân vùng cho bước 4.



6. Lập tài khoản & mật khẩu người dùng & tên máy: cái này chắc ai cũng biết.



7. Tổng kết: tóm tắt lại những lựa chọn của bạn, nếu bạn muốn thay đổi gì thì có thể quay lại để sửa, còn không thì nhấn nút cài đặt để tiếp tục.



Sau khi cài đặt xong, khởi động lại máy là bạn đã hoàn tất quá trình cài đặt Ubuntu 7.04 "hươu hiếu động" rồi đấy.



Cách sử dụng một số chức năng cơ bản của Ubuntu tôi sẽ đề cập đến ở các kỳ tiếp theo, xin mọi người chờ xem.

Thứ Sáu, tháng 4 20, 2007

Ubuntu 7.04, phần 2

Sau một thời gian nâng cấp và chỉnh sửa lại cấu hình Ubuntu như ý của mình (khá lâu), cuối cùng tôi cũng có được một hệ điều hành như ý muốn của mình. Ngoài những nâng cấp về phần mềm như mọi lần cập nhật trước, Ubuntu lần này còn có những chức năng mới khá đặc biệt sau:

1. Hỗ trợ chức năng tìm kiếm codec (bộ dịch) để chơi các loại file nhạc, phim: mỗi khi bạn sử dụng một file phim hoặc nhạc không có codec hỗ trợ sẵn, bạn sẽ có thêm lựa chọn cho phép chương trình "Add/Remove" của Ubuntu tìm kiếm và cài đặt những codec đó, chứ không phải mò mẫm trên mạng và trong chương trình quản lý file Synaptic Package Manager nữa.

Tất nhiên bạn cũng có nhiều cách khác để cài codec cho máy, như cách "siêu nhanh" mà Canonical (nhà phát triển Ubuntu) đề nghị:

    Mở bảng điều khiển (terminal), copy&paste lệnh sau:

    sudo apt-get install gstreamer0.10-pitfdll gstreamer0.10-ffmpeg gstreamer0.10-plugins-bad gstreamer0.10-plugins-bad-multiverse gstreamer0.10-plugins-ugly gstreamer0.10-plugins-ugly-multiverse xine-ui libxine-main1 libxine-extracodecs ogle ogle-gui

Trong đó xine-ui là chương trình xem các loại file video, và ogle là chương trình xem DVD, còn lại đều là codec các kiểu.



2. Desktop Effects: hiệu ứng màn hình, hiện có 2 chức năng chính, là rung màn hình mỗi khi bạn chọn một đề mục nào đó, hoặc tạo ảo ảnh khi bạn di chuyển vị trí một cửa sổ. Một chức năng vô dụng, sử dụng nhiều bộ nhớ, và rất khó chịu (sau một thời gian), nhưng bạn có thể dùng nó thể khoe với người khác về tính ưu việt của Ubuntu.

Bạn có thể bật chức năng này ở mục System > Preferences > Desktop Effects.



3. Cài đặt dễ dàng driver (chương trình điều khiển) của các loại phần cứng mã nguồn đóng: trước đây, để cài đặt driver cho card màn hình, bạn sẽ phải tìm kiếm hướng dẫn của nó trên mạng (tại trang http://www.ubuntuguide.org/), làm theo hàng loạt hướng dẫn, thì bây giờ bạn chỉ cần vào Administration > Restricted Drivers Manager rồi nhấn chuột một phát là xong hết.



4. 2 trò chơi mới: cờ vua (Chess) và Sudoku, bạn có thể tìm thấy chúng ở mục Applications > Games.

Cờ vua:



()

Sudoku: trò này thì chắc nhiều người không biết (cả tôi cũng không), luật chơi khá đơn giản: bạn phải điền các số từ 1-9 vào toàn bộ các ô trong bảng chơi, sao cho trong 1 hàng ngang, cột dọc hoặc khu vực (3x3 ô) không có số nào trùng nhau, luật chơi khá đơn giản, nhưng rất khó đấy.



5. Disk Usage Analyzer: chương trình phân tích dung lượng ổ cứng, bạn chỉ cần để nó quét một lần, và chương trình sẽ thông báo cho bạn toàn bộ dung lượng ổ cứng mà bạn đã sử dụng, chia thành các thư mục, đồng thời vẽ luôn cả đồ thị minh hoạ:



6. Help Center: trung tâm trợ giúp, tương tự Windows Help Center.

7. Hỗ trợ các đoạn lệnh chưa được cài đặt: trước đây, khi sử dụng những lệnh ngoại trú chưa được cài đặt, bạn sẽ nhận được dòng thông báo không mấy thân thiện là "command not found" (không tìm thấy lệnh), còn bây giờ, Ubuntu sẽ lịch sự thông báo với bạn là phải cài đặt chương trình nào để có được lệnh đó.

Ví dụ: tôi thích dùng chức năng xử lý ảnh "mogrify" của chương trình imagemagick, khi tôi sử dụng nó mà chưa cài đặt chương trình trên thì máy sẽ hiện thông báo:
    command:mogrify
    The program 'mogrify' can be found in the following packages:
    * imagemagick
    * graphicsmagick-imagemagick-compat
    Try: sudo apt-get install [selected package]
    Make sure you have the 'universe' component enabled
    bash: mogrify: command not found

Rất tiện lợi phải không?

Và nhiều tính năng khác nữa, nhưng quá thiên về kỹ thuật nên chắc chúng ta cũng không cần quan tâm lắm, như hỗ trợ thêm nhiều phần cứng, phiên bản Apache mới nhất, chương trình quản lý cơ sở dữ liệu SQL, v.v.

Một số screenshot của Ubuntu:


Hình desktop


Evolution, chương trình quản lý thư điện tử và các thứ liên quan


Liferea (tắt của Linux Feed Reader): chương trình lấy tin tự động


Exaile: chương trình nghe nhạc

Ubuntu 7.04 (Feisty Fawn)!!!

Theo các thông tấn xã Con Rùa thì ngày hôm nay phiên bản mới nhất của Ubuntu 7.04 (Feisty Fawn: hươu hiếu động) mới được phát hành, nhưng thực tế là bạn đã có thể download bản mới nhất của hệ điều hành này tại địa chỉ http://releases.ubuntu.com/feisty/ từ hồi 5h chiều hôm qua rồi!

Lưu ý là bạn nên sử dụng chương trình torrent để download cho nhanh, vì trang này đang bị DDOS rất nặng (nhiều người truy cập vào để download cùng một lúc quá), nên tốc độ download bằng http sẽ rất chậm.

Nhận xét, cách cài đặt và sử dụng, và nhận đặt đĩa Ubuntu sẽ được tôi đề cập đến ở những bài sau, còn bây giờ tôi phải nâng cấp hệ điều hành đã .